Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5421
(LĐ) - Trong hai ngày 11-12.11, tại TPHCM, Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, cơ quan báo chí vào dự thảo Luật Quảng cáo.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Đỗ Kim Dũng - PCT Hiệp hội Quảng cáo VN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo VN.
Đâu là điểm yếu nhất của hoạt động quảng cáo (QC) ở nước ta vào thời điểm hiện tại, thưa ông?
- Khung pháp lý còn lỏng lẻo, bộc lộ việc quản lý cũng lộn xộn, dẫn đến việc thực hiện cũng lộn xộn theo.
Theo ông, yếu tố văn hoá Á Đông trong QC ở những nước Châu Á ra sao? Có thể học được gì ở họ?
- Tại Trung Quốc, chúng tôi thấy, họ vừa coi trọng người tiêu dùng, vừa dùng biện pháp cứng rắn trong quản lý hoạt động QC để lập lại trật tự. Ở họ, QC ngoài trời phải vừa thoả mãn yêu cầu thương mại và yêu cầu quy hoạch đô thị. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý hoạt động QC của Trung Quốc hiện nay, bởi hoạt động QC của hai nước có nhiều điểm tương đồng.
Gần đây, khán giả truyền hình phàn nàn, bực mình vì họ cho rằng, họ bị "đánh cắp" 30% diện tích màn hình TV bởi QC, QC xen vào phim và một số chương trình VH-VN truyền hình trực tiếp quá nhiều và lộ liễu,... Có thể cải thiện được tình hình này?
- Chúng ta đang có những chương trình truyền hình đậm chất thương mại. Chúng ta có hai loại truyền hình là trả tiền và miễn phí. Hiện nay, chuyện sống chung với QC là không tránh khỏi. Vấn đề là cho phép QC trên truyền hình trong một tỉ lệ ra sao. Phim, chương trình nào hút khán giả, thì QC nhiều. Chẳng hạn, trong phim "Bỗng dưng muốn khóc" của Cty BHD, không có sự hiện diện của nhà tài trợ, nhưng phim hút được khán giả, nên nhiều spot QC chêm và "chẻ" phim. Theo chúng tôi, tỉ lệ khán giả xem phim này và tỉ lệ chen QC vào phim này vẫn còn chấp nhận được.
Theo ông, quy hoạch QC ở ta nên theo hướng nào?
- QC là một kênh truyền thông mang lại lợi ích kinh tế. Sự thiếu công khai, minh bạch trong QC dẫn đến những tác hại nhãn tiền cho Nhà nước, còn bản thân DN thì thiệt hại về thời gian. Quy hoạch QC cũng nên như quy hoạch đất đai: Cần chống độc quyền về thông tin!
Nhận xét của ông về dự thảo Luật QC?
- Dự luật mới đáp ứng 70-80%. Cái thiếu cơ bản nhất trong dự luật là vai trò của doanh nghiệp, nhà QC: Hàm lượng thực tiễn về đời sống QC hầu như không có, trong khi đó hàm lượng của nhà quản lý thì lại hơi bị nhiều. QC là tạo sự khác biệt. Theo chúng tôi, nhà quản lý không nên "cầm tay chỉ việc" cho người sáng tạo.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Báo Lao Động Thứ 5, 13/11/2008
Thùy Ân thực hiện
Tags: